Hiển thị các bài đăng có nhãn cách chữa bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cách chữa bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Con tôi 5 tuổi, bị bón lâu ngày. Tôi đi khám thì bác sĩ cho thuốc uống và cho chụp XQ đại tràng cản quang. Sau chụp thì kết luận là dài đại tràng và chuyển xuống phòng khám ngoại. Phòng khám ngoại bác sĩ xem phim và cũng cho thuốc đi về. Tôi rất lo lắng, không biết bệnh này có nặng không và điều trị như thế nào? Xn bác sĩ tư vấn giúp.


Chị Hòa thân mến,
Tình trạng táo bón được định nghĩa bởi sự đi tiêu không thường xuyên và/hoặc tiêu phân cứng và/hoặc khó đi tiêu hoặc khoảng cách 2 lần đi tiêu quá xa nhau, thường là trên 3 ngày.
Táo bón thường do 2 nhóm nguyên nhân: bất thường bẩm sinh đường ruột thường gặp nhất là phình đại tràng bẩm sinh và táo bón chức năng.
Đa số táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng và không có nguyên nhân thực thể. Có nhiều yếu tố  thể gây ra bón:
- Trẻ quá ham chơi hoặc không đủ kiên nhẩn ngồi lâu trên bàn cầu.
- Tại trường học bé không muốn vào nhà vệ sinh vì quá đông hoặc quá bẩn.
- Trẻ không muốn vào nhà vệ sinh vì sợ đau khi đi tiêu như những lần trước đó. Phân không được thải ra ngoài sẽ ứ đọng lại bên trong đại tràng và nước bị hấp thu khiến phân trở nên khô và cứng.
- Thay đổi sữa hoặc chế độ ăn.
- Ăn nhiều đường hoặc thức ăn ngọt.
- Sốt, mất nước, nằm lâu, ăn ít.
Để giúp con bạn khỏi táo bón, bạn cần :
-Cho trẻ đi cầu vào một giờ nhất định trong ngày để hình thành phản xạ đi cầu đều đặn
-Uống nhiều nước: uống 500-600ml nước/ngày
-Ăn nhiều rau xanh và quả chín: chọn các loại rau quả có tính chất nhuận trường như rau lang, mồng tơi, rau dền hay củ khoai lang, đu đủ, cam, xoài, nho, thanh long, bưởi, quýt…
-Chọn loại sữa có bổ sung chất xơ (fibre) …
Tình trạng chụp Xquang đại tràng cản quang và kết luận dài đại tràng chỉ nói lên được tình trạng ruột già dài, có thể có tình trạng ứ đông phân chứ cũng chưa kết luận được bệnh lý gì chắc chắn. Nếu theo các chỉ dẫn trên tốt thì sau 1 thời gian chụp phim lại có khi ruột lại trờ về bình thương. Do đó, chị không nên quá lo lắng. Nếu có nhu cầu tư vấn thêm, chị nên cho bé tái khám lại vào phòng số 3 mỗi chiều thứ 3 hàng tuần tứ 13g.
Thân  ái.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Trẻ em thường hay bị gãy xương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, trong đó có gãy xương đùi. Gãy xương đùi là loại gãy xương lớn, trẻ có thể bị sốc do đau hay do mất máu (nếu gãy hở). Do đó việc cố định xương đùi  khi di chuyển rất quan trọng. Đùi gãy phải được cố định và di chuyền đồng nhất.Tùy theo số tuổi và cân nặng mà trẻ được kéo tạ hay mổ đóng đinh RUSH.Trong quá trình kéo tạ hay mổ, thân nhân trẻ nên chú ý đến vấn đề chăm sóc cho trẻ :




v        Xoa bóp gót chân để kích thích tuần hoàn của chân đang kéo
v        Trẻ bị lở loét do tì đè hay dị ứng băng keo
v        Quan sát, theo dõi hệ thống kéo hàng ngày tránh di lệch
v        Động viên an ủi, dỗ dành trẻ vì khi kéo xương trẻ rất khó chịu
v        Chăm sóc vệ sinh cá nhân kỹ
v        Sau khoảng 2-3 tuần kéo tạ, xương đạt kết quả tốt, trẻ sẽ được bó bột khoảng 6 tuần.Trong thời gian bó bột, thân nhân trẻ cũng nên lưu ý chăm sóc cho trẻ:
§       Theo dõi đầu chi có tê, tím tái không? (nếu có đưa trẻ đến bệnh viện ngay)
§       Hạn chế cử động tránh bể bột, nứt bột
§       Giữ vệ sinh cá nhân tốt tránh làm dơ và ướt bột
Tóm lại, gãy xương đùi là loại gãy xương lớn, điều trị lâu dài, đòi hỏi thân nhân trẻ kiên trì nhẫn nại, hợp tác cùng nhân viên y tế để trẻ được điều trị đạt kết quả tốt

Bao quy đầu là phần da bao phủ quy đầu liên tục với da bao thân dương vật. Bao quy đầu gồm phần da bên ngoài và phần da mỏng bên trong (niệm mạc)  dính vào quy đầu. Giữa phần da mỏng này và quy đầu có một lớp dịch mỏng giúp cho quy đầu TỰ TUỘT LÊN được. Khi lớp dịch này cùng với lớp tế bào của niêm mạc bao quy đấu tróc ra đọng lại thành một đốm trắng được gọi là SMEGMA(Chất bả trắng). Đây là một nguyên nhân  của tình trạng viêm nhiễm ở bao quy đầu




Bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ quy đầu và miệng sáo (lỗ tiểu). Vai trò này của bao quy đầu được ghi nhận qua những biến chứng từ việc cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh như loét lỗ tiểu.
Ở trẻ sơ sinh bao quy đầu không tuột lên được. Theo thời gian,  bao quy đầu sẽ tự tuột ra dần và đến khoảng 16 tuổi chỉ còn 1% là không tự tuột lên được. Trong khoảng thời gian này có thể một số biến chứng xảy ra như nhiễm trùng bao quy đầu, viêm tắt quy đầu (Balanitis Xerotica Obliterans).
Biến chứng nhiễm trùng bao quy đầu có thể điều trị dễ dàng bằng cách tuột bao quy đầu và bôi thuốc có kháng sinh tại chỗ. Riêng biến chứng viêm tắt quy đầu phải điều trị bằng phẫu thuật cắt bao quy đầu vì phần đỉnh của bao quy đầu trở nên xơ chai, mất độ đàn hồi của da quy đầu. Biến chứng này chỉ xảy ra ở trẻ lớn hơn 4 tuổi.
Bao quy đầu tuột lên được sẽ giúp giữ vệ sinh tốt cho bộ phận sinh dục vì những chất bẩn không đọng lại được bên trong. Vậy làm thế nào để giữ vệ sinh cho quy đầu? Tuột bao quy đầu: có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi nếu da ở phần đỉnh bao quy đầu mềm mại, mỏng. Tuột bao quy đầu có thể thực hiện một phần (ló một phần quy đầu ra khỏi bao quy đầu) hoặc hoàn toàn (quy đầu lộ ra trọn vẹn khi da quy đầu được kéo hẳn ra sau) tùy theo tuổi của em bé hoặc theo đánh giá của bác sĩ. Thí dụ như một em bé 3 tháng tuổi thì không cần thiết phải tuột hẳn bao quy đầu mà chỉ cần tuột cho ló lỗ tiểu ra nhìn thấy được rồi sau đó phụ huynh tuột dần hàng ngày. Tuy nhiên đối với một bé 5 tuổi thì nên tuột hẳn ra ngay lần đầu nếu có thể.
Động tác tuột bao quy đầu nên thực hiện trước khi bé được 3 tuổi.
Sau khi bác sĩ tuột bao quy đầu cho trẻ thì hàng ngày phụ huynh phải tuột khi tắm cho cháu. Nếu không tuột liên tục bao quy đầu sẽ hẹp lại.
Việc tuột bao quy đầu có khi không thể thực hiện thành công do cấu trúc bao quy đầu có dạng hình ống hoặc em bé lớn tuổi không hợp tác.
Cắt bao quy đầu: chỉ nên thực hiện khi không thể tuột được. Cắt bao quy đầu cũng có những biến chứng như chảy máu sau khi cắt, sưng phù bao quy đầu, cắt ít da, dương vật thụt vào trong sau cắt (bệnh nhân béo phì), thủng niệu đạo, tổn thương quy đầu.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Trong sinh hoạt và chơi đùa hàng ngày, trẻ rất dễ gặp phải những sự cố tai nạn bất ngờ làm tổn thương vùng đầu. Và chấn thương sọ não (CTSN) là một trong những nguy cơ luôn rình rập trẻ lúc này.      Chấn thương sọ não  tr em thường do bt cn trong sinh hot (chiếm 60% trường hp), thường gp nht là té cu thang, té giường, té võng hay do người ln bng m tuột tay. 




Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. CTSN thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1-6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị CTSN do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.

CTSN nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.

Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên. 


Những dấu hiệu cần phải theo dõi là:


- Tình trạng lúc tỉnh lúc mê.

- Ngủ mê kêu không thức dậy.

- Nhức đầu dữ dội.

- Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong.

- Ói mửa nhiều lần.

- Co giật tay chân.

- Sưng lớn nơi da đầu.

Nếu bé có những dấu hiệu trên hoặc sau té mà bé bất tỉnh ngay thì cần đưa nhanh tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi. CT scan sọ là phương pháp tối ưu để phát hiện CTSN. Tuy nhiên việc chụp CT scan chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ vì tia X dù cường độ nhỏ cũng nên tránh cho trẻ nhỏ. Tránh tâm lý yêu cầu bác sĩ phải chụp phim X-quang hay CT scan bằng mọi giá để yên tâm.

Chẩn đoán và theo dõi một trường hợp CTSN còn bao gồm nhiều yếu tố quan trọng khác như theo dõi sự thay đổi tri giác, thăm khám trẻ nhiều lần để tìm các dấu hiệu thần kinh, chứ không đơn thuần là chụp một phim X-quang hay CT scan.
Biện pháp phòng ngừa:



Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do CTSN gây ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ chú ý những lời khuyên sau đây:

- Trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi.

- Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động.

- Không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác.

- Khi chở các trẻ lớn đi xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

- Khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.

Hiện nay, tại TP.HCM có hai bệnh viện có chuyên khoa ngoại thần kinh nhi để điều trị CTSN ở trẻ em là Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy.

  1. Các khối u ở cổ :
U tân dịch, u quái, u máu ở cổ có thể gây tắc đường hô hấp ở trẻ sau sinh, đặc biệt khi u lan vào sàn miệng, vào lưỡi bệnh nhi.Trong chăm sóc cần phát hiện sớm các dấu hiệu suy hô hấp do khối u chèn ép.


   
   2.   Vẹo cổ bẩm sinh :
         Biểu hiện bằng một khối u xơ, đường kính 1 – 2cm, không di động, xảy ra 2 – 3 tuần sau sinh thường do sang chấn sản khoa, 80% trẻ trở về bình thường sau 2 -3 tháng. Có thể chữa khỏi nhờ tập vật lý trị liệu.
3        Hội chứng Pierre Robin :
- Biểu hiện bằng tam chứng : Chẻ vòm hầu, tụt lưỡi và cằm lẹm.
- Tắt đường hô hấp trên do tụt lưỡi rất hay gặp sau sinh hay muộn hơn là 3 tuần sau sinh.
- Cách chăm sóc :
·         Tư thế trẻ : Nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên, có thể cao hay thấp.Tuy nhiên, đầu cao làm tăng nguy cơ tụt lưỡi, đầu thấp có nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản (bình thường đầu cao từ 10 - 15˚)
·         Bệnh nhân có chẻ vòm hầu: nên nuôi ăn qua ống thông dạ dày (vì sức bú của bé rất kém) tốc độ chậm, chú ý theo dõi sát đề phòng trẻ bị trào ngược gây hít sặc rất nguy hiểm.
4. Thoát vị hoành bẩm sinh :
- Là tình trạng các tạng trong ổ bụng thoát vị lên lồng ngực qua các lỗ khiếm khuyết của cơ hoành, thường xảy ra bên trái nhiều hơn bên phải, 85 – 90 % thoát vị qua khe Bochdaleck.
- Trẻ thường biểu hiện : tím tái, khó thở, bụng xẹp, lồng ngực nhô cao, tim lệch phải…
- Chăm sóc :
·         Cho trẻ nằm đầu cao 30˚, nghiêng bên thoát vị, giữ ấm, đặt thông dạ dày để giải áp.
·         Không thở NCPAP, không giúp thở bằng mask để tránh khí vào dạ dày gây chèn ép đường hô hấp.
5. Teo thực quản :
- Sau sinh, biểu hiện lâm sàng của thể điển hình( type 3): tăng tiết nước bọt, tím tái, sặc ho khi nhấp nước, hay muộn hơn là suy hô hấp do viêm phổi, không đặt được thông dạ dày ( do bị tắc nghẽn nơi lồng ngực)
      - Chăm sóc :
·         Đặt trẻ tư thế đầu cao, nghiêng phải.
·         Đặt thông hút dịch tiết ở miệng và nơi túi cùng( nơi teo) liên tục với áp lực nhẹ.
6. Teo ruột :
- Biểu hiện lâm sàng: ói dịch vàng, chậm tiêu phân su, bụng chướng khi tắc thấp hoặc không chướng nếu tắc cao ở tá tràng hay hổng tràng.
- Chăm sóc: Nằm đầu cao tránh hít dịch ói, ủ ấm, hút liên tục thông dạ dày để bớt chướng bụng.
7. Thoát vị chân cuống rốn và hở thành bụng bẩm sinh :
- Trẻ có nguy cơ hạ thân nhiệt, mất nước, nhiễm trùng, nghẹt ruột, hoại tử và tắc ruột.
- Xử trí ban đầu là ủ ấm, truyền dịch, đặt thông dạ dày, thông tiểu.
- Nếu thoát vị chân cuống rốn: dùng gạc vô khuẩn thấm nước muối sinh lý ấm bao bọc bảo vệ khối thoát vị, trách để rách túi.
- Nếu hở thành bụng : dùng gạc vô khuẩn thấm nước muối sinh lý ấm bao bọc khối thoát vị, tránh tổn thương ruột, mạch máu, mạc treo.
8. Thoát vị màng não tủy :
- Là một nang phồng lên, bên trong chứa dịch não tủy và thông thương với khoang dưới nhện.
- Vị trí thường gặp ở cột sống thắt lưng chiếm 80% trường hợp.
- Chăm sóc :
·         Tránh sang chấn và làm tăng áp lực nơi tổn thương.
·         Dùng gạc vô khuẩn thấm nước muối sinh lý ấm đắp lên chỗ thoát vị, nếu bao thoát vị bị vỡ, dịch não tủy dò ra ngoài, phải dùng gạc tẩm betadine 2% che phủ và kháng sinh phòng ngừa.
·         Tránh lây nhiễm phân vào khối thoát vị.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Máy tạo nhịp (tim ) sẽ giúp để ổn định nhịp tim đập bất thường.
Máy tạo nhịp là một dụng cụ cấy ghép  nhỏ được  thiết kế để giúp cho nhịp tim đập và với một nhịp điệu bình thường.


Viện quốc gia Hoa kỳ  về tim, phổi, và máu nói rằng những tình trạng sau đây có thể là dấu hiệu cần một máy tạo nhịp :
  • Nhịp tim của bạn không có đập bình thường do tuổi tác, hoặc là do bệnh tim.
  • Bạn có một liệu trình gọi là rung nhĩ đểi điều trị rối loạn nhịp- thuật ngữ y học nói về nhịp tim bất thường.
  • Bạn phải dùng thuốc mà nó làm chậm nhịp tim của bạn, như là thuốc chặn beta.
  • Bạn có triệu chứng của chậm nhịp tim, kể cả bị ngất xỉu.
  • Bạn có vấn đề về cơ mà nó có thể làm chậm khởi phát xung điện qua tim ( xung điện này kích thích tim đập-ND)

Ngay khi bạn từ bỏ thuốc lá, là bạn bắt đầu giảm nguy cơ về ung thư, bệnh tim mạch, bệnh phổi và đột quỵ.


Từ bỏ thói quen cũng sẽ bắt đầu nângi chất lượng cuộc sống của bạn, trang điện tử về sức khoẻ của phụ nữ ( Hoa kỳ) đề cập đến những lí do  sau:
- Bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn, sẽ thở dễ dàng hơn và phổi sẽ thực hiện tốt hơn trong lúc hoạt động thể lực.
- Bạn sẽ được cải thiện độ nhạy cảm về vị giác và khứu giác.
- Các vết đen trên các ngón tay của bạn sẽ nhạt dần.
- Quần áo của bạn, tóc của bạn và hơi thở của bạn sẽ không còn mùi của khói thuốc.
- Da của bạn sẽ có vẻ khoẻ mạnh hơn, và màu sắc, độ chắc của răng bạn sẽ được cải thiện.
- Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về chính mình một khi bạn từ bỏ thuốc lá.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại phòng khám Khoa Tim Mạch với tình trạng ngất tương đối tăng.Vây thì ngất là gì , nguyên nhân nào gây ra cơn ngất và làm sao để phát hiện ra ngất?


Chúng ta nên biết rằng ngất là tình trạng mất ý thức tạm thời kèm theo mất trương lực tư thế gây ra bời giảm lưu lượng máu não.
Theo nghiên cứu của Mỹ: ngất chiếm # 1% số bệnh nhân nhập viện và # 3% số bệnh nhân cấp cứu.
Vậy làm sao để biết một trẻ là có ngất?
Thông thường trước khi ngất trẻ sẽ có triệu chứng choáng váng hoặc mắt tối xầm lại, ù tai, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, mặt tái nhợt và toát mồ hôi lạnh, ta gọi đây là giai đoạn tiền triệu. Giai đoạn này xảy ra rất nhanh, hiếm khi quá 30 giây. Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ lại không có giai đoạn tiền triệu này ( như là nhịp nhanh thất, rung thất hoặc vô tâm thu gây ra ngất). Vào lúc khởi đầu của cơn ngất bệnh nhân thường ở tư thế đứng, cho nên giai đoạn tiền triệu này có thể giúp bệnh nhân có thời gian để nằm xuống tránh được các chấn thương do té ngã.
Tình trạng mất ý thức dài hay ngắn, còn nhận biết môi trường xung quanh hay hôn mê sâu thì tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân, có khi kéo dài vài giây đến vài phút hoặc có thể lâu đến 30 phút. Thường thì ý thức của bệnh nhân sẽ phục hồi ngay nhưng ở 1 số bệnh nhân vẫn còn cảm thấy yếu ớt, và đứng dậy quá sớm có thể gây ra một cơn ngất khác.
Vây nguyên nhân ngất là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngất: nguyên nhân thường gặp nhất là ngất có nguồn gốc phó giao cảm( 20 -40%) và khoảng 30% là không tìm thấy nguyên nhân.
  • Ngất do phó giao cảm.
  • Ngất do tư thế đứng
  • Ngất do tim.
  • Ngất do xoang cảnh.
  • Ngất do tăng áp động mạch phổi nguyên phát.
  • Ngất do thần kinh thiệt hầu và thần kinh X.
  • Ngất do mạch máu não.
  • Ngất do tiểu tiện.
  • Ngất do tăng áp lực trong lồng ngực.
Ngoài ra chúng ta cũng có những bệnh cảnh lâm sàng tương tự như ngất như : động kinh, chóng mặt, tăng thông khí, cơn thoáng thiếu máu não,cơn hạ đường huyết hoặc Hysteria.
Nói tóm lại: ngất có thể do nhiều nguyên nhân gây ra hoặc không có nguyên nhân và có thể nhầm lẫn triệu chứng với những bệnh khác. Vì thế khi phụ huynh thấy trẻ có cơn ngất như nêu trên , hãy cho trẻ đến những cơ sở Chuyên Khoa Khi để được khám và kiểm tra nhằm tìm nguyên nhân của bệnh . Bởi vì những bệnh nhân bị ngất không rõ nguyên nhân có tỉ suất tử vong sau 1 năm là 6% và tần suất đột tử là 4%, còn  những bệnh nhân bị ngất do nguyên nhân tim thì có tỉ suất tử vong sau 1 năm là từ 18 -33% và tần suất đột tử là 24%.Cho nên đây là một tình huống cần phải cảnh giác, chớ có bỏ qua vì nó sẽ có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sau.

Hiện nay, nền công nghệ thông tin phát triển rất nhiều và người dân có thể tiếp cận với các tư liệu về bệnh qua sách báo, Internet.Tuy nhiên, bệnh viêm cơ tim vẫn còn là một vấn đề khi các triệu chứng khởi đầu của bệnh rất mơ hồ, dễ  gây nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc là bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong.


Vậy viêm cơ tim có nhiều không?
Thật ra tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ tim không được biết rõ do một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận biết.Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng sau đó lại diễn tiến bệnh rất nhanh chóng.
Vậy làm thế nào để biết trẻ có bị viêm cơ tim hay không?
Phụ huynh có con nhỏ nên cần cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
  • Đối với trẻ lớn: có triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về  tiêu hoá(ói, tiêu chảy),..
  • Đối với trẻ nhỏ: có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém ,..
Đặc biệt, nếu phụ huynh thấy trẻ có các biểu hiện như: tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Vì vậy khi thấy trẻ có bất cứ biểu hiện khác so với bình thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và theo dõi.
Tại sao trẻ lại bị viêm cơ tim?
Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu si gây ra, hàng đầu là Enteroviruses, kế đến là Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, Rubella,….
Điều trị viêm cơ tim như thế nào?
Bởi vì viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời.
Dự hậu của bệnh viêm cơ tim như thế nào?
Một số trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và sẽ có thể có bệnh cơ tim dãn nở, suy tim  hoặc rối loạn nhịp về sau.Đây cũng chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao.
Vì vậy lời khuyên cho các phụ huynh là hãy theo dõi trẻ thật sát khi có những triệu chứng nêu trên để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám bệnh và theo dõi.
Đối với những trẻ ở tuổi đi học: nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen rữa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.

Bệnh tim bẩm sinh là gì?    Là dị tật ở tim (có thể tại vách tim hay van tim) và các mạch máu lớn, được phát hiện ngay sau khi sinh ra. Theo ước tính cứ 100 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Dị tật ở tim của trẻ đã xảy ra trong thời kỳ bào thai, trước khi trẻ được sinh ra. Tim bẩm sinh là một trong những dị tật bẩm sinh thường hay xảy ra nhất ở trẻ em.



   Được biết tim của trẻ bắt đầu hình thành, phát triển và hoàn chỉnh vào khoảng tuần thứ tám của bào thai. Dị tật tim bẩm sinh thường xảy ra trong tám tuần lễ đầu tiên của quá trình phát triển bào thai quan trọng này. 
Nguyên nhân nào gây dị tật tim bẩm sinh?
   Đại đa số các tật tim bẩm sinh thường không tìm thấy nguyên nhân. Các bà mẹ có thể thắc mắc và tự hỏi không biết mình đã làm gì (uống thuốc, tiếp xúc hóa chất gì), hay mắc bệnh gì trong thời gian mang thai mà gây ra tật tim bẩm sinh cho con mình. Trong hầu hết các trường hợp thường không tìm thấy được nguyên nhân nào có mối liên hệ rõ ràng với các tật tim bẩm sinh. 
   Có một số tật tim bẩm sinh thường xảy ra hơn, mang tính gia đình, vì vậy có thể có mối liên quan về di truyền đối với một số tật tim bẩm sinh. Các nhà khoa học nhận thấy có một số tật tim bẩm sinh có thể di truyền và đi kèm với các hội chứng đa dị tật như trong hội chứng Ehrles-Danlos, Noonan, Leopard, Ellis-Van-Creveld, Hunter,..   
   Cũng có một số tật tim bẩm sinh xảy ra có liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như trong hội chứng Down (có 3 nhiễm sắc thể 21), hội chứng Turner (XO, không có nhiễm sắc thể giới tính Y), hội chứng Klinefelter (XXY: có 2 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y ); hay do đột biến gen.
   Một số tật tim bẩm sinh có thể sẽ xảy ra nếu người mẹ bị nhiễm siêu vi trong khi mang thai như nhiễm Rubella, Cytomegalo, Herpes, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ hay dùng một số thuốc như thuốc chống động kinh, Thalidomide, nội tiết tố sinh dục,... 
Các loại dị tật tim bẩm sinh:
   Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể có từ dạng đơn giản đến dạng phức tạp. 
   Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể được phân thành nhiều loại và cũng có nhiều cách phân loại dị tật tim bẩm sinh. Ngày nay người ta thường phân loại các dị tật tim bẩm sinh dựa theo ảnh hưởng của nó đối với các luồng máu chảy trong cơ thể của trẻ. 
   Các tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:
1         Nhóm tim bẩm sinh không có luồng thông: trong nhóm này thường trẻ không bị tím, lượng máu lên phổi bình thường hoặc giảm, bao gồm Hẹp động mạch phổi, Hẹp động mạch chủ, Hẹp eo động mạch chủ
2         Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ trái sang phải: có lỗ thông đưa máu đi từ
các buồng tim bên trái sang tim bên phải. Trong nhóm tim bẩm sinh này, lưu lượng máu đi qua phổi sẽ gia tăng (tăng tuần hoàn phổi) và thường không gây ra triệu chứng tím (trừ khi luồng thông đã bị đảo chiều do áp lực mạch máu phổi gia tăng cao hơn áp lực mạch máu của hệ thống). Bao gồm các dị tật tim bẩm sinh sau:
Ø       Còn ống động mạch (PDA: có ống thông nối từ cung ĐM chủ qua ĐM phổi).
Ø       Thông liên nhĩ (có lỗ thông giữa 2 tâm nhĩ) 
Ø       Thông liên thất (VSD: có lỗ thông giữa 2 tâm thất) là dị tật tim bẩm sinh hay gặp nhất        
Ø       Kênh nhĩ thất …
3         Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ phải sang trái: có lỗ thông đưa máu đi từ
các buồng tim bên phải sang tim bên trái, thường gây ra triệu chứng tím và lưu lượng máu đi qua phổi có thể tăng (tăng tuần hoàn phổi) hay giảm (giảm tuần hoàn phổi).
§   Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi tăng, bao gồm những dị
tật tim bẩm sinh như:
Ø       Chuyển vị đại động mạch (bình thường động mạch chủ xuất phát từ thất trái, động mạch phổi xuất phát từ thất phải, nhưng trong dị tật này thì ngược lại)
Ø       Bất thường tĩnh mạch phổi về tim (bình thường 4 tĩnh mạch phổi phải đổ về tâm nhĩ trái, nhưng trong dị tật này thì tất cả 4 tĩnh mạch phổi không đổ về tâm nhĩ trái hoặc chỉ có 2 tĩnh mạch phổi đổ về tâm nhĩ trái)
Ø       Tim một thất (tim chỉ có 1 buồng tâm thất)
Ø       Thiểu sản thất trái (tâm thất trái bị teo nhỏ)
Ø       Thân chung động mạch (cả 2 động mạch chủ và động mạch phổi cùng xuất phát từ một thân động mạch chung)
       §   Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi giảm: bao gồm những
dị tật tim bẩm sinh có kèm theo hẹp động mạch phổi làm cho lưu lượng máu đi qua phổi giảm,bao gồm như:
Ø       Tứ chứng Fallot (bao gồm 4 dị tật là hẹp phổi, thông liên thất, động mạch chủ  
lệch phải cưỡi ngựa trên vách liên thất, phì đại thất phải) là dị tật tim bẩm sinh gây tím thường gặp nhất.
Ø       Teo van ba lá.
Ø       Teo van động mạch phổi...

Tứ chứng Fallot là bệnh tim bẩm sinh(TBS) có tím thường gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp TBS tím ở trẻ trên 1 tuổi, gồm 4 tật trong tim( tứ chứng) là : thông liên thất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất, dày thất phải. Các tật này làm giảm máu lên phổi và đưa máu thiếu oxy đi nuôi cơ thể nên trẻ có tình trang thiếu oxy lâu ngày, dễ bị mệt và bị tím da niêm. Một số trẻ bệnh nhẹ có thể không thấy triệu chứng tím.





Các biểu hiện của bệnh :

-          Tím da, niêm, môi, đầu ngón tay, ngón chân, đồng đều phần trên và dưới cơ thể.
-          Ở trẻ lớn, khi mệt, trẻ thường ngồi xổm để khỏe hơn.
-          Trẻ bị bệnh lâu ngày, các đầu ngón tay, ngón chân to bè ra như “dùi trống”.
-          Khi trẻ gắng sức hoặc gặp nhiều các yếu tố kích thích như : viêm phổi, tiêu chảy, ói mửa, mất nước….sẽ trở nên mệt, khó thở, tím nhiều hơn.
-          Nặng nề hơn là trẻ lên cơn tím thiếu oxy, biểu hiện bằng trẻ thở mạnh, thở nhanh, bứt rứt, kích động, có thể dẫn đến hôn mê. Cơn tím cần được nhanh chóng chẩn đoán và cấp cứu. Ba triệu chứng gợi ý chính là : thở mạnh, tím nhiều hơn và đường thở bình thường ( loại trừ trường hợp dị vật đường thở)
-          Ngoài ra, trẻ bị tứ chứng Fallot còn có thể gặp các biến chứng như : viêm tắc mạch máu não, áp xe não, thiếu máu kéo dài,, chậm phát triển thể chất, dễ xuất huyết răng lợi, da, tiêu hóa, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…..

Chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot :

Nếu phát hiện trẻ tím da niêm, hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ bị TBS như : hay viêm đường hô hấp, kém ăn , chậm lớn…cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để kiểm tra, xác định chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Cha mẹ có con bị tứ chứng Fallot cần lưu ý :

-          Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ khó thở, mệt, yếu, bứt rứt, tím da niêm tăng….
-          Nếu trẻ lên cơn tím, lập tức vỗ về, trấn an trẻ, nới rộng quần áo và đặt trẻ nằm theo “tư thế gối ngực” : nằm quay sang một bên với hai đầu gối co lên ngực. Tư thế này giúp tăng lượng máu lên phổi, trẻ sẻ bớt tím và đỡ mệt. Sau đó, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
-          Cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn giàu chất sắt ( thịt động vật có màu đỏ như heo, bò, rau cải, ngũ cốc, hạt mè, hạt hướng dương, các loại đậu…)
-           Với trẻ nhỏ cần đút trẻ ăn chậm và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, cần giữ vệ sinh và giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ quấy khóc, tránh để trẻ bị cảm sốt hay tiêu chảy…
-          Với trẻ lớn, trẻ cần uống kháng sinh khi làm thủ thuật hoăc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng.
-          Tránh cho trẻ vận động mạnh hay đùa giỡn quá nhiều. Tránh để trẻ gắng sức và làm những công việc nặng nhọc .
-          Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ tim mạch để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị tứ chứng Fallot :

-          Điều trị nội khoa : chỉ là tạm thời trong lúc chờ lựa chọn thời điểm thích hợp để phẫu thuật.
-          Điều trị ngoại khoa : Gồm phẫu thuật tạm thời và phẫu thuật triệt để

o        Thời điểm và phương pháp phẫu thuật sẽ được bác sĩ phẫu thuật quyết định qua việc đánh giá sức khỏe, cân nặng của trẻ, mức độ nặng của bệnh, mức độ nặng các triệu chứng.
o        Hiện nay, phẫu thuật tạm thời được sử dụng là phẫu thuật Blalock cải tiến, dùng ống ghép nhân tạo nối động mạch dưới đòn ( trái hoặc phải) với động mạch phổi cùng bên để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu oxy nặng. Sau đó, trẻ được theo dõi để chọn thời điểm phù hợp phẫu thuật sửa chữa triệt để.
o        Phẫu thuật triệt để : các tật của tứ chứng Fallot đều được sửa chữa, đạt kết quả tốt với tỉ lệ tử vong dưới 5%. Phẫu thuật được thực hiện tốt nhất từ 2- 3 tuổi. Nếu không được phẫu thuật, chỉ 10% trẻ sống đến 20 tuổi, dưới 3% trẻ sống đến 40 tuổi.
      
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -