Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Trong cuộc sống hàng ngày, bệnh đau dạ dày cấp là căn bệnh thường gặp do chế độ ăn uống, sinh hoạt  không hợp lý. Việc xác định triệu chứng và nguyên nhân bệnh đau dạ dày cấp là điều vô cùng cần thiết để có biện pháp điều trị và điều chỉnh chế độ sinh hoạt một cách hợp lý.



1. Bệnh đau  dạ dày cấp biểu hiện như thế nào?

Tổn thương trong viêm dạ dày cấp có thể khu trú hoặc lan tỏa, tùy theo mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân thường chia làm 4 dạng chính, với các biểu hiện lâm sàng khác nhau:






Viêm long dạ dày: Thường xảy ra sau khi ăn phải chất kích ứng, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virut. Tổn thương biểu hiện bằng tình trạng niêm mạc phù nề sung huyết và có nhiều đám viêm xâm nhiễm bởi bạch cầu đa nhân ở niêm mạc. Biểu hiện lâm sàng là cảm giác đau căng tức hoặc nóng ran vùng thượng vị, kèm theo nôn, choáng váng.

Viêm dạ dày thể xuất huyết: Thường biểu hiện dưới dạng các vết ăn mòn đơn độc hoặc kèm theo xuất huyết. Niêm mạc có những chấm xuất huyết đôi khi có những mảng, đám xuất huyết dưới niêm mạc và các vết xước, chảy máu, chính là do sự vỡ mạch máu lớp tiết chính.

Xuất hiện do các yếu tố có nguồn gốc ngoại sinh như rượu, thuốc kháng viêm non – streroid… Biểu hiện lâm sàng chủ yếu thường gặp là xuất huyết. Khi chảy máu nhiều và nặng có thể gây choáng và shock. Thường được chẩn đoán bằng nội soi cấp cứu.

Viêm dạ dày thể ăn mòn: Thường do các chất kích ứng tác động liên tiếp lên bề mặt niêm mạc dạ dày, gây ra sự biến đổi trầm trọng cùng với sự phù nề đơn điệu của niêm mạc dạ dày và sau đó là tình trạng hoại tử tại chỗ của niêm mạc dạ dày. Sau một thời gian, các fibrin hàn gắn lại tạo thành các mô sẹo.

Mức độ tổn thương phụ thuộc bản chất và nồng độ chất gây tổn thương; ngoài ra còn phụ thuộc sự hòa loãng các chất ăn mòn do các chất bên trong dạ dày, và sự trung hòa chất kiềm do acid dạ dày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau thượng vị ngay tức thì sau khi dạ dày tiếp xúc với chất kích ứng; sau đó là nôn, đôi khi nôn ra máu; trong các trường hợp nặng có thể có shock.

Viêm dạ dày thể nhiễm khuẩn: Với sự có mặt của các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn. Trong trường hợp dạ dày bị viêm tấy, dịch rỉ viêm làm mưng mủ các vách niêm mạc cùng với thành dạ dày, có thể gây hậu quả thủng và gây viêm phúc mạc. Người ta gọi đó là dạ dày phù thũng. Thể bệnh này giảm rất nhiều từ khi có kháng sinh, nhưng hiện nay đang có xu hướng gia tăng trở lại.

2. Nguyên nhân bệnh đau dạ dày cấp


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp. Dựa theo yếu tố phát sinh, người ta phân chia viêm dạ dày cấp ra làm 2 loại:

+ Viêm dạ dày cấp do ngoại sinh, như: virus, vi khuẩn (ngày nay, người ta tìm thấy được vai trò của vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) gây viêm loét dạ dày có thể gây ung thư dạ dày).

Người bệnh ăn thức ăn nóng, cứng, khó tiêu, nhai không kỹ, hoặc bị nhiễm độc do tụ cầu, Ecoli, rượu, chè, cà-phê. Người bệnh dùng lâu ngày các loại thuốc uống có hại cho dạ dày như thuốc aspirin, thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid, các chất ăn mòn, các kích thích nhiệt, dị vật…

+ Viêm dạ dày cấp do nội sinh thường do đường máu trong các bệnh nhiễm trùng cấp. Stress nặng, bỏng nặng, chấn thương, sau cuộc mổ lớn, sốc, tia xạ trong điều trị các bệnh ung thư… là những yếu tố có thể làm dạ dày tăng tiết axit (chất chua có trong dịch vị), đồng thời làm giảm sự sản xuất các chất đệm, giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày làm cho chất axit ứ đọng trong lòng dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.

Khi nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần:

- Ngưng ngay việc sử dụng các chất có hại cho dạ dày.

- Nên uống lòng trắng trứng hoặc sữa bò loãng.

- Ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, giữ khoảng cách đều đặn, hợp lý giữa các bữa ăn. Lúc đầu, nên ăn những thức ăn loãng; sau đó, người bệnh có thể dần dần ăn những thức ăn đặc hơn.

Nếu không đỡ, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán:
- Nội soi dạ dày: Thấy niêm mạc dạ dày phù nề xung huyết đỏ rực, có những đám nhầy dày hoặc mỏng, Các nếp niêm mạc phù nề, niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết, vết trợt.

- Dịch vị: tăng tiết dịch, tăng toan, trong dịch có BC, tế bào mủ.

- X quang: Nếp niêm mạc thô, ngoằn nghèo, bờ cong lớn nham nhở, túi hơi rộng.

- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, máu lắng tăng.

Dựa trên sự thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sỹ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định cũng như mức độ bệnh, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -