Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Các thuốc chữa trĩ giúp chống lại các triệu chứng nhằm làm cho bệnh ổn định, người bệnh đỡ khó chịu. Tuy nhiên, bệnh nhân phải khám khẳng định chắc chắn là bị trĩ và biết rõ trĩ ở độ nào thì mới quyết định dùng thuốc được.

Thống kê cho thấy có tới 50% người trên 50 tuổi mắc bệnh trĩ. Chẩn đoán trĩ không khó nhưng cũng đã có những trường hợp nhầm lẫn, như ung thư trực tràng được chẩn đoán là trĩ và bệnh trĩ lại được chẩn đoán là sa trực tràng. Ngoài ra, còn cần phải phân biệt trĩ nội, trĩ ngoại; ngay trong trĩ nội cũng tùy theo tình trạng thương tổn mà phân biệt ra 4 độ với cách điều trị khác nhau: dùng thuốc, đốt điện, làm lạnh, thắt, phẫu thuật. Do vậy, cần phải khám xác định chắc chắn bệnh trĩ và trĩ ở độ nào mới quyết định việc dùng thuốc được.

Trong y học hiện đại, thuốc trĩ thường chia ra 3 loại:

Thuốc có tác dụng toàn thân: Có thể dùng riêng lẻ hay phối hợp các chất nhằm làm bền thành mạch, nhuận tràng, chống viêm. Thường có các biệt dược:

Cevit rutin: Viên bao, chứa rutinozid và vitamin C. Thuốc làm bền thành mạch. Không uống thuốc sau 5 giờ chiều, vì vitamin C có thể gây mất ngủ.

Circanetten: Viên bao, chứa paraplebon, bột folliculi sennae, sulfur dep, kali bitatrate. Thuốc làm giảm sưng đau và viêm vùng trĩ, làm bền thành mạch, cầm máu, giảm tắc nghẽn tĩnh mạch. Dùng cho trĩ nội, trĩ ngoại hoặc kết hợp cả hai.

Erberiven fort: Dạng viên bao hay dung dịch, chứa cao meliot và rutinozid. Cao meliot làm gia tăng sự co mạch và sức đề kháng mạch; giảm tính thấm ngấm; gia tăng và điều hòa các co thắt nút bạch huyết, tăng khả năng hủy các protein có trọng lượng phân tử cao (là yếu tố làm ứ nước). Dùng điều trị cơn trĩ, ngắn hạn. Nếu các triệu chứng không hết nhanh, phải khám nghiệm trực tràng và tái trị liệu. Dạng dung dịch lỏng chứa rượu, cần thận trọng khi dùng cho người già, người nuôi con bú. Có thể có một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, ngứa, phát ban, khó chịu, nhức đầu nhưng sẽ hết khi ngừng thuốc.

Thuốc dùng tại chỗ: Dạng thuốc đạn dùng cho các thương tổn nằm trong hậu môn trực tràng. Dạng thuốc mỡ, kem dùng cho các thương tổn nằm ở phía ngoài rìa hậu môn; hoặc dạng canuyn đặt vào lòng hậu môn. Có thể dùng riêng lẻ hay phối hợp các chất nhằm chống tắc mạch và huyết khối (như heparin); giảm căng tức và đỡ đau (như menthol, cocain); chống đau ngứa (butoform) giảm đau, chống cương tụ (esculosid), chống viêm (hydrocotison); chống nhiễm khuẩn, nấm (neomycin) giảm đau, chống co thắt cơ (trimebutin), làm thương tổn mau lành (dầu gan cá chứa vitamin A).

Thuốc tiêm gây xơ: Trước đây dùng chlohydrat quinin – ure 50% (kinurea). Nhưng vì thuốc hay gây tai biến (đau, chảy máu, lở loét nơi tiêm) nên hiện thường dùng dầu phenol, gồm có phenol, menthol, butoform, ít gây tai biến hơn. Đây là thuốc tiêm gây xơ, thủ thuật tiêm khó: đầu kim bắt buộc phải tới và chỉ được tới lớp niêm mạc dưới da, nếu tiêm vào niêm mạc hay tiêm vào lớp cơ thì nơi tiêm bị loét và hoại tử. Không được tự ý dùng thuốc này tại nhà.

Trong y học cổ truyền, thuốc trĩ thường chia làm 2 loại:

Loại thuốc điều trị bảo tồn: Thường dùng kết hợp cao tiêu viêm với bài thuốc trĩ số 8 hay 9 (tùy trường hợp) và bột ngâm trĩ.
Cao tiêm viêm dùng trị đau, phù nề (trước, trong và sau khi phẫu thuật), gồm 4 vị thuốc có tác dụng hành huyết, phá ứ: lá móng, ngải cứu, huyết giác, tô mộc. Sắc lấy nước uống.

Bài thuốc số 8 dùng cho trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ có viêm, táo bón, chảy máu khi có đợt tiến triển, gồm 8 vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, nhuận táo: thổ hoàng liên, rau má, kim ngân, cỏ nhọ nồi, lá vông, kim tiền thảo, cam thảo nam. Dùng dưới dạng thuốc sắc. Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, đi lỏng.

Bài thuốc số 9 dùng chữa trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ có viêm nghẹt, chảy máu. Nó gồm 9 vị thuốc có tác dụng lương huyết, hành huyết, trừ thấp nhiệt: cam thảo nam, huyết giác, tô mộc, cỏ nhọ nồi, trần bì, lá móng, mộc hương, nghệ, hậu phác. Dùng dưới dạng thuốc sắc.

Bột ngâm trĩ gồm có các vị: hạt cau, hoàng bá, đảm phàn; tán thành bột đóng gói 10g. Pha với nước đun sôi để nguội, ngâm hậu môn.

Các bài thuốc này rẻ tiền, có sẵn, dễ kiếm, dùng trong trường hợp trĩ nội có chảy máu, viêm đạt hiệu quả cao (70-80%).

Bài thuốc điều trị không bảo tồn: Khô trĩ tán dùng đắp vào búi trĩ làm cho trĩ rụng. Dùng khi búi trĩ sa xuống nhiều, đạt hiệu quả cao (khoảng 80%). Nhược điểm: làm người bệnh đau. Khắc phục bằng cách dùng novocain tiêm vào các búi trĩ, sau đó mới dùng khô trĩ tán. Bài thuốc có các loại, thành phần khác nhau. Loại A gồm thạch tín (độc), thần sa, ô mai, phèn phi, novocain. Loại B gồm nha đảm tử, khô phàn, đảm phàn, novocain. Phải tránh nhiễm khuẩn khi dùng khô trĩ tán.


Thuốc chữa trĩ dù hiện đại hay cổ truyền đều có tác dụng chống lại các triệu chứng do trĩ gây ra, làm cho bệnh ổn định, người bệnh đỡ khó chịu. Chúng được dùng trong trường hợp trĩ nhẹ hay cầm cự chờ phẫu thuật. Có trường hợp không thể dùng thuốc mà phải chỉ định phẫu thuật (như trĩ nội độ 4). Thuốc có thể có một hay nhiều tác dụng, cần khám xác định rõ thương tổn thì dùng có hiệu quả hơn. Ngay với thuốc bôi cũng nên thận trọng vì thuốc có thể thấm qua trực tràng gây ngộ độc toàn thân.

Điều trị bằng y học cổ truyền nhiều trường hợp cho hiệu quả tốt nhưng nên đến các bệnh viện hay khoa y học cổ truyền. Có nhiều có trường hợp tự giới thiệu là chữa theo cách “gia truyền”, dùng “các bài thuốc tự chế”, nhưng có khi chữa không khỏi, lại gây tai biến.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -